Tranh luận về vai trò tác giả Kế_hoạch_Manstein

Sự thành công của chiến dịch đã đem lại cho bản kế hoạch tác chiến nhiều danh tiếng, dẫn tới một số tranh luận về vai trò tác giả của các cá nhân khác nhau.

Căn cứ vào chỉ thị đưa Quân đoàn Thiết giáp 19 đến Dinant ngày 11 tháng 11 năm 1939, Hitler tin rằng ý đồ chiến lược là của mình còn Manstein chỉ là người thể hiện nó thành kế hoạch.[7] Sau trận chiến, khi nói về vai trò của Manstein, Hitler đã nói nguyên văn là Trong số các tướng lĩnh mà tôi nói chuyện, thì Manstein là người hiểu ý tôi nhất.[7] Tuy nhiên, trong hồi ký của mình, mặc dù Manstein cho rằng có thể Hitler nghĩ đến chính diện phía Nam như là điểm xuất phát cho một mũi chủ công khác, nhưng không hề nghĩ tới mục tiêu của mũi này là để tiến ra cửa sông Somme, và do đó chỉ có giá trị về mặt chiến thuật.[37] Sử gia Karl Heinz Frieser cũng cho rằng việc mở thêm một mũi cơ động ở phía Nam mặt trận của Hitler chỉ nhằm mục tiêu hỗ trợ cho 2 mũi tấn công chính ở Bỉ, và do đó chỉ là "nửa vời".[38]

Ngoài Hitler, Halder về sau cũng tự nhận là mình là tác giả chính căn cứ vào việc đã chuẩn bị sẵn phương án tác chiến số 4 để trình bày trong cuộc họp ngày 18 tháng 2 năm 1940, đồng thời nhận rằng ông đã đề xuất mở mũi chủ công qua rừng Ardennes từ cuối tháng 9.[26] Tuy nhiên, nhà sử học Karl Heinz Frieser cho rằng cách nhận công của Halder không có bằng chứng cụ thể,[26] trong khi vai trò của Manstein được xác nhận trong các thư kiến nghị gửi cho OKH còn lưu lại sau chiến tranh.[39] Vai trò này của von Manstein cũng được các nhà sử học khác như Julian Jackson hay William Shirer công nhận.